Du lịch Việt Nam 2022: Nhiều giải pháp để phục hồi và bứt phá

05/01/2022
Bình minh trên lòng hồ sông Đà. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+
Bình minh trên lòng hồ sông Đà. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+
 
“Một năm kinh tế buồn” của ngành du lịch đã khép lại với nhiều cơn địa chấn từ những đợt dịch COVID-19 liên tục bùng phát. Mặc dù nền kinh tế xanh Việt Nam năm 2021 chưa thể khởi sắc qua các con số tổng kết năm, nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào tương lai 2022 sẽ bứt phá cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ.
 
Chúng ta có quyền hy vọng bởi dịch bệnh tuy vẫn lây lan với biến chủng mới nhưng độ phủ sóng vaccine ngày càng rộng đã góp phần làm suy yếu sức tàn phá của visus SARS-CoV-2. Thế giới đang dần tiến gần hơn đến ngày khống chế và đẩy lùi đại dịch, mở ra cơ hội để phục hồi nền kinh tế xã hội. Vì thế, du lịch Việt cần những giải pháp hài hòa cho giai đoạn phục hồi tới.
 
Điểm sáng trong “tranh xám”
 
Con số của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2021, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 99% so với năm 2019. Cụ thể, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so năm trước và giảm 99,1% so năm 2019. Trong số đó, lượng khách chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
 
Song, riêng tháng 12 lại là “điểm sáng” của cả năm nhờ việc thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021, các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu được khôi phục, khách quốc tế đến tháng 12 ước đạt 17,2 nghìn lượt người, tăng 14,2% so tháng trước và tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý IV/2021 đạt 42,7 nghìn lượt người, tăng 62,7% so quý III/2021 và giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2020.
 
Hình ảnh những vị khách quốc tế đầu tiên trở lại Phú Quốc sau giai đoạn
Hình ảnh những vị khách quốc tế đầu tiên trở lại Phú Quốc sau giai đoạn "đóng cửa bầu trời" vì dịch bệnh. Ảnh: CTV/Vietnam+

 
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2021 ước đạt 398 nghìn tỷ đồng, giảm 19,3% so năm 2020. Con số doanh thu này giảm mạnh ở các trung tâm du lịch lớn của cả nước như: Quảng Ninh giảm 10,3%; Hà Nội giảm 14%; Hải Phòng giảm 17,8%; Đà Nẵng giảm 20%; Bình Dương giảm 23,5%; Nghệ An giảm 30,7%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 46,1%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 52,2%.
 
Dịch vụ lữ hành năm 2021 ước đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, giảm 59,9% so cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành năm 2021 giảm mạnh so năm trước: Quảng Ninh giảm 32,9%; Đà Nẵng giảm 40,6%; Hà Nội giảm 45,6%; Quảng Bình 45,9%; Cần Thơ giảm 52,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 60,2%; Thanh Hóa giảm 67,8%; Hải Phòng giảm 70,3%; Thừa Thiên-Huế giảm 71,3%.
 
Các chuyên gia nhận định, bước sang năm 2022 nền kinh tế xã hội Việt Nam sẽ đối diện nhiều nguy cơ, thách thức (chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu…) cũng như cơ hội đan xen.
 
Giải pháp tổng thể, hài hòa
 
Để kịp thời khắc phục khó khăn và chuyển mình sau thời gian dài “ngủ Đông,” các chuyên gia kỳ vọng năm 2022 toàn ngành du lịch sẽ chủ động tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng trong giai đoạn bình thường mới để tạo sức bật phục hồi mạnh mẽ.
 
Chủ tịch Hội lữ hành Quảng Bình, ông Trần Xuân Cương cho rằng cần xác định những sản phẩm du lịch mang tính chiến lược và cốt lõi giai đoạn này để bứt phá. Theo ông Cương, các doanh nghiệp nên đầu tư khai thác du lịch nghỉ dưỡng cho gia đình hoặc nhóm nhỏ, trong đó tập trung du lịch biển gắn liền với những điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển, phù hợp để triển khai các tour khép kín; du lịch mạo hiểm; du lịch cắm trại; du lịch cộng đồng.
 
Du lịch trải nghiệm văn hóa vùng miền đang là xu hướng thời gian qua. Ảnh: CTV/Vietnam+
Du lịch trải nghiệm văn hóa vùng miền đang là xu hướng thời gian qua. Ảnh: CTV/Vietnam+
 
Còn các chuyên gia Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề xuất doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu xây dựng những sản phẩm ngách như: Du lịch cho người lớn tuổi, du lịch golf, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch thể thao… nhằm tạo sản phẩm phù hợp nhất cho từng phân khúc thị trường.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, khi yếu tố an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu của du lịch, xu hướng “du lịch không chạm” lên ngôi cũng là lúc chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của toàn ngành.
 
Song để tạo tác động mạnh mẽ, du lịch Việt cần những chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ, thiết thực hơn từ Chính phủ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Võ Thành Thống cho hay Bộ đang chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025; dự kiến có nhiều nhóm giải pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực du lịch.
 
Theo đó, ngoài những hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng… như hiện nay còn có các chính sách như: xây dựng và hỗ trợ bảo hiểm COVID-19, chi phí xét nghiệm RT-PCR cho du khách; số hóa dữ liệu hành trình, tình trạng sức khỏe, hành vi du khách và nhân viên phục vụ công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh khi mở cửa thị trường du lịch nội địa-quốc tế.
 
Check-in
Check-in "sống khủng long" ở Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+
 
Ông Thống cho biết theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực du lịch của các địa phương hơn 5.500 tỷ đồng. Số vốn ngân sách này chính là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển và hoàn thiện hạ tầng du lịch.
 
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, bên cạnh nguồn vốn ngân sách đó cần phải tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, ổn định và hấp dẫn để đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng du lịch theo các quy hoạch đã được phê duyệt (như nguồn vốn ODA, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, huy động hợp tác công tư...) phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tập trung vào khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm, các địa phương còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch…
 
Với sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ, ngành du lịch được quyền hy vọng vào một năm 2022 có thể “xua đi bóng đen u tối.” Dù COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, con đường phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp nêu trên và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng vào hành trình bứt phá của du lịch Việt thời gian tới.
Mai Mai (Vietnam+)
Lượt xem: 5
Hotline
02693.827.159
Zalo
02693.827.159
Facebook
https://www.facebook.com/dulichpleiku1/