Giữ mạch nguồn di sản

07/03/2022
Di sản trong bối cảnh chịu nhiều tác động
 
Sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 11-2005), tỉnh Gia Lai có nhiều hoạt động để bảo vệ và phát huy giá trị đặc biệt của di sản. Tại hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” tổ chức ở TP. Pleiku năm 2018, các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa đánh giá cao các hoạt động, nỗ lực của tỉnh Gia Lai, đồng thời cũng chỉ ra những “lỗ hổng” trong hoạt động bảo tồn.
 
Một chính sách tổng thể để bảo vệ toàn vẹn giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đề cập. Ông Tuệ cho biết: “Chúng ta đã có nhiều chương trình hành động để bảo vệ, phát huy giá trị di sản nhưng vẫn rất cần một chính sách tổng thể cho bài bản và có chiến lược lâu dài, bền vững để tránh chệch hướng, nhất là trong bối cảnh di sản chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội. Lấy ví dụ là lâu nay nhiều nghệ nhân người Jrai rất tài năng, được mời đi truyền dạy cồng chiêng khắp cả tỉnh, trong đó có những làng Bahnar, vô hình trung tạo sự đồng hóa về mặt văn hóa. Do đó, việc xây dựng một bộ giáo trình để giảng dạy trong các trường dân tộc nội trú, cao đẳng là điều hết sức cấp thiết hiện nay. Việc xây dựng giáo trình cũng đòi hỏi sự nghiên cứu thấu đáo, riêng cho từng dân tộc Jrai, Bahnar. Nghệ nhân của dân tộc nào thì được cấp giấy chứng nhận để truyền dạy cồng chiêng cho dân tộc đó”.
 
Ảnh: Đức Thụy
Biểu diễn cồng chiêng (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy
 
Cũng theo ông Tuệ, các giá trị đặc biệt của di sản hiện nay chủ yếu được lưu giữ bằng hình thức truyền khẩu, nếu nghệ nhân mất đi, họ sẽ mang theo toàn bộ những tri thức dân gian quý báu ấy. Cần phải hành động ngay để những tri thức vừa độc đáo, vừa nhân văn ấy được ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu một cách hệ thống. Mai mốt thế hệ nghệ nhân già mất đi, thế hệ trẻ sẽ căn cứ vào tài liệu này để tiếp tục phát huy di sản cha ông chứ không chỉ truyền khẩu như hiện tại.
 
Chính sách tổng thể
 
Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 dựa trên những yêu cầu cấp thiết hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị không gian di sản trên tinh thần gìn giữ và tôn trọng văn hóa. Mục tiêu của đề án không chỉ là thống kê số lượng cồng chiêng hiện có, số nghệ nhân thực hành trình diễn cồng chiêng, nghệ nhân chỉnh chiêng, các bài chiêng truyền thống mà theo quan điểm “bảo vệ và phát triển, phát huy được giá trị di sản trong bối cảnh đương đại” như khẳng định của ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
 
Chính sách đãi ngộ báu vật nhân văn sống là một trong những mục tiêu quan trọng của đề án. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chính sách đãi ngộ báu vật nhân văn sống là một trong những mục tiêu quan trọng của đề án. Ảnh: Hoàng Ngọc
 
Đáng chú ý là đề án đề ra mục tiêu xây dựng 10 nhà rông, 10 bến nước truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai cần khôi phục không gian truyền thống của văn hóa cồng chiêng. Bên cạnh đó, xây dựng được ít nhất một giáo trình cồng chiêng để dạy trong các trường dân tộc nội trú; phục dựng một số lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng của người Bahnar, Jrai; thực hành trình diễn cồng chiêng được duy trì thường xuyên ở các làng dân tộc Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh…
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Đề án là 1 hợp phần của chương trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây phải thực sự là đề án có ý nghĩa lâu dài, hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối bản sắc văn hóa. Mục tiêu, các giải pháp phải dựa trên cơ sở khoa học, kết quả rà soát, khảo sát thực trạng để quá trình bảo vệ đúng hướng, phát huy được giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng trong phát triển bền vững kinh tế-xã hội, du lịch, nhất là nâng cao mức sống cho chủ nhân di sản”.
Các giải pháp phù hợp để hiện thực hóa những mục tiêu trên được đề án đưa ra dựa trên những căn cứ, khảo sát thực tế. Trong đó, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, điền dã, trao đổi với các nghệ nhân Bahnar, Jrai để thống kê, sưu tầm, ghi chép và lưu trữ những bài chiêng, sinh hoạt văn hóa có sử dụng cồng chiêng bằng phương tiện hiện đại nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu vững chắc, tin cậy cho hoạt động trao truyền lâu dài. Có chính sách hỗ trợ các nhà nghiên cứu âm nhạc, lịch sử, văn hóa địa phương thực hiện đề tài, dự án chuyên sâu về cồng chiêng bản địa. Các giải pháp hiện hữu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của không gian cồng chiêng trong xã hội đương đại do các nhà nghiên cứu đưa ra có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân cồng chiêng, chính sách khuyến khích từng gia đình, cộng đồng trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng cũng là những giải pháp có tính căn cơ của đề án.
 
Tỉnh Gia Lai hiện còn lưu giữ 4.500 bộ cồng chiêng, chiếm số lượng nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tỉnh Gia Lai hiện còn lưu giữ 4.500 bộ cồng chiêng, chiếm số lượng nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc
 
Để có cơ sở tin cậy và xác thực khi xây dựng đề án, đề xuất những khả năng, giải pháp bảo tồn cũng như khai thác và phát huy giá trị di sản thông qua phát triển văn hóa-du lịch, trước đó, ngành Văn hóa đã có nhiều hoạt động khảo sát, kiểm kê. Giai đoạn 2011-2019, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều cuộc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là cơ sở để tổng hợp, phân loại, nhận diện giá trị và sức sống của từng di sản trong cộng đồng, lựa chọn những di sản văn hóa tiêu biểu đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoàng Ngọc
 
Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh một cách bài bản, khoa học để đánh giá chính xác thực trạng cồng chiêng trong đời sống cộng đồng bản địa. Kết quả sơ bộ ghi nhận toàn tỉnh còn lưu giữ 4.500 bộ cồng chiêng (kết quả kiểm kê năm 2008 là 5.655 bộ), là tỉnh có số lượng cồng chiêng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên. Ông Trần Ngọc Nhung cho biết: “Chúng ta không chỉ bảo vệ số lượng cồng chiêng mà là không gian văn hóa của cồng chiêng với các yếu tố cấu thành, đó là không gian buôn làng, nhà rông, bến nước, những “báu vật nhân văn sống” đang hàng ngày thực hành và trao truyền di sản cha ông, những lễ hội văn hóa có sử dụng cồng chiêng. Đặc biệt, việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng phải được duy trì để trở thành nhu cầu thiết thực của đồng bào Bahnar, Jrai, để họ tự giác tham gia, làm cho giá trị văn hóa cồng chiêng phát triển trong xã hội đương đại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh”.
 
HOÀNG NGỌC
Lượt xem: 15
Hotline
02693.827.159
Zalo
02693.827.159
Facebook
https://www.facebook.com/dulichpleiku1/