CÔNG VIÊN DIÊN HỒNG: LÁ PHỔI XANH CỦA PHỐ NÚI PLEIKU

22/11/2021
Người dân Phố núi Pleiku tự hào trong lòng phố lại có được quần thể Du lịch sinh thái Công viên hồ Diên Hồng (còn gọi, hồ Đức An) hội tụ hài hòa vẻ đẹp nguyên sơ và nhân tạo tuy không kỳ vĩ nhưng là lá phổi xanh góp phần “điều hòa thân nhiệt” phố. Khách du đến Pleiku dù có ít thời gian cũng vời chân ghé lại. Nơi đây, ngày quang tạnh, mỗi sớm mai ra, lúc chiều buông xuống có đông đảo người dạo chơi, tập thở dục quanh hồ hay tìm chỗ ngồi lãng du cùng trí tưởng…
TỪ THUNG LŨNG ĐỨC AN…
Ngày trước, khu vực Đức An cư dân thưa thớt trên những cung đường Nguyễn An Ninh, Thống Nhất, Đống Đa, Lê Quý Đôn... Con suối ngầm Ia Kring đến thung lũng Đức An cho nước chảy thành dòng quanh năm. Hai bên bờ suối, từ đầu nguồn (là điểm giao cắt với đường Lê Thánh Tôn bây giờ, xưa kia là giọt nước của đồng bào Jrai sinh sống quanh đây) cư dân nông nghiệp khai vỡ đất hoang trồng cây lúa nước, cây hoa màu, các loại rau ăn lá, ăn quả từng thửa manh mún. Từ trên bờ nhìn xuống, người dân Phố núi không thấy ấm lòng bởi lối sống hòa quyện với thiên nhiên, hay nét quê xa phảng phất hiện về mà dường như gợi nỗi buồn đói nghèo, lam lũ!
IMG20211119135128.jpg

                                     Một góc nhìn Công viên hồ Diên Hồng. Ảnh: Đình Phê

Phía bên kia con suối là đồi 42, có độ cao hơn 30m so với thung lũng, lác đác vài ngôi nhà tạm bợ. Sau ngày đất nước thống nhất, người dân các phường Yên Đổ, Diên Hồng, Hội Phú (Thị xã Pleiku) đến đây khai hoang trồng lúa rẫy và các loại cây lương thực ngắn ngày. Mấy năm sau nữa, hình thành nên những vườn cây ăn trái lâu năm như mít, bơ, sầu riêng… Nhưng mùa mưa dầm, nước trôi tuột; mùa khô, nắng gió bơ phờ nên hoa lợi hằng năm thu về chẳng được gì mấy.
Ông Phan Đình Trang, nguyên Chủ tịch UBND phường Diên Hồng (từ tháng 4/1984 đến 12/1987), cho biết: “Nghị quyết Đảng bộ phường Diên Hồng năm 1984, ra chủ trương phát triển kinh tế phường phải chú trọng đến nông nghiệp cùng với việc dãn dân ra vùng ven. Theo đó ra quyết định, ngăn dòng suối Ia Kring, nạo vét thung lũng Đức An thành lòng hồ để nâng mạch nước ngầm khu vực đồi 42 thuận lợi hơn cho việc đào giếng lấy nước sinh hoạt, tưới tắm vườn hoa màu, cây trái. Ngay đầu năm 1985, công việc được xúc tiến bằng nguồn vốn tự có của phường Diên Hồng, huy động đóng góp của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, tổng kinh phí bằng tiền mặt hơn 1,1 tỷ đồng, chưa kể công lao động nghĩa vụ của người dân phường, với định mức 30 ngày công/01 lao động chính/năm. Công trình được hoàn thành vào cuối năm 1986, với tổ hợp công việc: Nạo vét lòng hồ đắp đất sang phía đồi, xây kiên cố bờ chắn, bờ tràn hoàn chỉnh như ngày hôm nay”.  Cái tên hồ Đức An ra đời từ đấy.
ĐẾN CÔNG VIÊN HỒ DIÊN HỒNG
Năm 1988, UBND phường Diên Hồng bàn giao hồ Đức An cho UBND thị xã Pleiku. Ý tưởng quy hoạch nơi đây thành quần thể khu lịch sinh thái hình thành được ĐU, HĐND, UBND thị xã Pleiku thống nhất. Nhà Thủy Tạ ra đời cùng với dãy tường bao bọc, con đường bê tông dẫn lối đi vào công viên; hoa chăm, cỏ xén, cây xanh phủ bóng được trồng… Công viên hồ Diên Hồng hiện ra.
Phải nói, cà phê Thủy Tạ có đóng góp “vĩ đại” nhất trong việc thu hút khách ở thời điểm đó. Trong sương sớm ảo mờ, mơn man làn gió nhẹ khỏa lên từ mặt hồ từng đôi nam nữ tựa bao lơn tự tình, hay quanh bàn ly cà phê toả hương mơ màng thả trôi nhịp đập trái tim theo từng con sóng gợn! Đêm xuống, ánh đèn màu mờ nhẹ cùng bóng sao rơi, ánh đuôi cá quẫy khiến tâm hồn con người trở nên tinh khiết và thi vị…
Những năm tiếp theo, hoa đã thơm, cỏ đã mượt, cây xanh đã tỏa bóng cùng với những loài chim thú trong công viên khá phong phú, lạ mắt, khỏe mạnh tốt tươi thu hút du khách từ nhiều nơi ghé lại. Rồi đến cái thú đạp vịt nước, du thuyền trên lòng hồ, ngày lễ tết nườm nượp khách. Trong ký ức ngày thơ bé của thế hệ 8X không chỉ ở cư dân thành phố còn tươi nguyên niềm vui sướng được cha mẹ dắt đi thưởng ngọn trò chơi này mỗi khi nhớ lại.
Các công trình tiếp nối ra đời, đi vào hoạt động: cầu treo (năm 1997), làng du lịch (năm 2001), dãy nhà chòi ven hồ cho thực khách “lai rai”, nhà hàng Thiên Đường Xanh… cho chúng ta một quần thể du lịch Công viên Hồ Diên Hồng như ngày hôm nay. Cùng với sự phát triển của thành phố, những con đường ngang dọc dẫn vào hồ nhà mới, hàng quán mọc lên hình thành phố ăn uống đường Thống Nhất có đủ hàng ăn vặt, điểm tâm, quán nhậu, cà phê giải khát qui mô khác nhau, hội tụ phong cách ẩm thực khắp vùng miền đã thu hút, làm hài lòng người dân địa phương, du khách đến từ phương xa.
Công viên hồ Diên Hồng không chỉ níu chân chúng ta bởi cây xanh rợp bóng, đồi cao dốc thoãi, hồ nước trong xanh lồng bóng mây trời biến ảo theo từng thời khắc trong ngày, mùa trong năm mà còn bởi không khí trong lành, dịu mát làm thoã mãn thị giác không bao giờ có cảm giác nhàm chán; còn giục chân muốn dạo quanh cho hơi sương vương vấn, có nắng nhẹ tia sợi chiếu nghiêng, cánh gió mơ hồ mơn man theo nhịp thở. Đó là lí do, nơi đây chừng như không bao giờ vắng bóng người.
IMG20211119134939-(1).jpg

                                                  Nơi đầu nguồn con suối Ia kring bây giờ. Ảnh: Đình Phê


Còn một chỉ tiết khác dù không nằm trong chủ đích, hồ Đức An là một trong những nơi để cư dân Phố núi phóng sanh loài thủy sản nước ngọt mong cầu may, cầu phúc. Chính hình ảnh những người phụ nữ trong trang phục kín đáo, gương mặt thành kính nhẹ nhàng thả trôi con cá, con cua vào lòng hồ rồi chấp tay khấn lạy, miệng lâm râm khấn vái, mắt khép hờ xa xăm vào cõi thiện giúp ta trở lại với bản ngã tạo hoá dành cho! Phải chăng, vì thế cho chúng ta cái nhìn những cần thủ ngồi quanh bờ hồ không còn theo nghĩa mưu sinh hay tìm thức món đổi bữa mà là thú chơi tao nhã đón vận may “chim trời, cá nước”? Thì cũng là nét đẹp chứ sao!
Bùi Xuân Tiến- Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
Lượt xem: 97
Hotline
02693.827.159
Zalo
02693.827.159
Facebook
https://www.facebook.com/dulichpleiku1/