Hương chè trăm năm trên cao nguyên.

23/11/2021
Du lịch Gia Lai trong tâm thức của người lữ khách phương xa là núi non điệp trùng, thác ghềnh kì vĩ, là những bản làng người dân tộc thiểu số đẹp như tranh vẽ cùng nền văn hóa di sản lâu đời. Bên cạnh đó, vùng đất trên cao nguyên này còn hấp dẫn du khách bởi mênh mang những đồi chè hàng trăm năm tuổi.
1. Nằm cách thành phố Pleiku về phía Bắc chừng 10 km, nằm trên địa phận huyện Chư Pah, Biển Hồ chè là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn trải rộng ngút ngàn trên diện tích hơn 1000 ha. Những đồi chè bát ngát, các luống chè uốn lượn mềm mại đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, làm mê mẩn bao trái tim các tay săn ảnh và dân du lịch tìm đến thưởng ngoạn.

Sac-xanh-Bien-Ho-che-(1).JPG

   Ảnh: Võ Thanh Thảo

Từ những năm 1919-1920, người Pháp đã khai khẩn vùng đất phía Bắc của cao nguyên Pleiku này để trồng chè. Chè được trồng nơi đây sinh trưởng và phát triển xanh tốt quanh năm, có một hương vị riêng biệt với vị chát đặc trưng do các yếu tố về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này tạo nên. Ngày xưa, đồi chè Biển Hồ chỉ là chốn đi về của nhà nông, nay lại trở thành điểm đến ấn tượng được du khách khắp nơi tìm đến. Đôi khi du khách lưu lại giữa mênh mang những luống chè để được một lần lội trong đồi chè tươi tốt, cảm nhận thực thụ hương trà từ lúc còn xanh đọt trên cây, như người yêu đồng ruộng, thích đắm mình trong hương mạ non.
Sau những tháng mưa dai dẳng, từ khoảng tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, Gia Lai trở mình vào mùa đẹp nhất trong năm. Trên những đồi chè xanh mướt, thẳng tắp tận chân núi, công nhân thoăn thoắt hái những búp chè còn đọng sương sớm. Đa số diện tích chè ở đây là chè tái canh, tuy nhiên có một khu vực còn lưu lại những gốc chè cổ thụ đến mùa thu hoạch vẫn cho búp non khỏe mạnh với tuổi đời hơn trăm năm. Du khách đến đây tham quan không phải chỉ vì say hương chè mà còn vì cảnh đẹp. Hai bên đường dẫn vào đồi chè xanh là hàng thông lá kim trăm tuổi phủ rợp kín, như vẫy tay mời chào du khách bốn phương. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi cảm giác màu xanh tươi của chè trải dài khắp sườn đồi.
Cái thú của việc tham quan đồi chè là cảm giác giữa mênh mang núi đồi ngó trước nhìn sau gần nhất trong tầm tay lẫn xa nhất ở cuối tầm nhìn, cũng chỉ có một màu xanh đặc trưng. Ấy vậy mà, du khách lại yêu thích cái cảm giác ấy, từng bước chân len lỏi trong hàng chè, đến từng ngón tay chạm những búp chè nhẹ nhàng lạnh mát, như chạm vào dải lụa mềm đang tung bay giữa trời.
Giữa lòng đồi chè, có một nơi linh thiêng nơi cửa Phật, đó là chùa Bửu Minh uy nghiêm, cổ kính. Ngôi chùa Phật học đã gắn liền với nơi đây từ những ngày cây chè đầu tiên được ươm mầm trên mảnh đất này, là nơi chứng kiến sự đổi thay từng ngày của những nương chè, cùng tâm tư nhiều thế hệ trồng chè. Bao năm đã đi qua, những mùa vụ chè được trồng rồi thu hoạch, chứa đựng bao yêu thương của con người nơi đây gắn bó với mảnh đất này.
2. Tuy về mặt thương hiệu chưa thể so sánh với những vùng chè nổi tiếng khác trên cả nước nhưng thương hiệu chè Bàu Cạn vẫn có một vị riêng quyến rũ, nồng nàn hương cao nguyên Pleiku. Chính vì thế nông trường chè Bàu Cạn, tọa lạc tại xã bàu Cạn, huyện Chư Prông có tuổi đời hàng trăm năm không chỉ được du khách biết đến với những luống chè xanh mướt, mênh mang mà còn là điểm đến hấp dẫn người dân tìm đến thưởng ngoạn, đặc biệt vào thời điểm mùa hoa muồng vàng rực rỡ sắc hoa xen giữa những nương chè. Đi trên vùng đồi Bàu Cạn bây giờ là miên man đồi chè ngằn ngặt xanh trên những thảo nguyên mênh mang bằng phẳng.

Sac-vang-hoa-muong-vang-xen-lan-mau-xanh-cua-nhung-la-che-non-giua-nong-truong-che-Bau-Can.JPG

   Ảnh: Võ Thanh Thảo

Khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên cây chè được trồng từ những năm 1927 đến nay vẫn phát triển tốt, hương chè vẫn nồng thơm quyến rũ. Giống chè cũ đầu tiên trồng ở vùng đất này được người Pháp tuyển chọn kỹ từ những cây chè cổ thụ, mọc tự nhiên ở cao nguyên Hà Giang. Đây là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khỏe, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Nếu để phát triển bình thường thì cây rất cao, không khác gì cây cổ thụ, nhưng để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái nên phải tạo tán cho cây. Tuy nhiên, qua một thời gian dài, diện tích chè cũ do người Pháp trồng đã già cỗi, năng suất thấp cho nên đã được thay thế bởi những cây chè cùng loại bằng cách giâm cành từ những cành cây chè trẻ cho năng suất cao hơn.
Bức tranh thiên nhiên càng tươi đẹp hơn bởi sự xuất hiện của con người lao động ngày ngày vun trồng, chăm bón. Giữa mênh mông những nương chè, thấp thoáng người dân đi thu hoạch, những đôi bàn tay thạo nghề, khéo léo của người trồng chè ngắt những ngọn chè xanh mơn mởn, đôi lúc có những đoàn du khách đến tham quan, thưởng cảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên những nương chè thật sự là để lại những ấn tượng khó quên cho người phương xa cùng người ở lại.
Từ những ngày đầu, khi nông trường chè Bàu Cạn xuất hiện, những luống chè đầu tiên được trồng trên vùng đất này, cây muồng đã được trồng ở đây với tác dụng chắn gió cho cây chè. Cây muồng có hệ thống rễ cọc ăn sâu vào đất nên không giành chất dinh dưỡng với cây chè, khi lá muồng khô và rụng xuống đất sẽ tự phân hủy, trở thành một loại phân bón tự nhiên nuôi dưỡng cho cây. Cứ thế, những khóm chè trồng từng hàng thẳng tắp, nương vào gốc muồng, vươn lên từ vùng đất đỏ. Mỗi độ sắc hoa muồng nở rộ, tầm từ tháng 10 đến cuối năm, nông trường chè Bàu Cạn nhộn nhịp hơn nhiều bởi du khách khắp nơi tìm đến thưởng hoa, loài hoa dại đẹp dung dị nhưng không kém phần rực rỡ làm say lòng người lữ khách phương xa.
  Nếu có ý định khám phá miền đất cao nguyên xanh thì đây chính là thời điểm lý tưởng nhất dành tặng người lữ khách yêu thiên nhiên tươi đẹp, muốn tìm về với thiên nhiên núi đồi giữa bình nguyên xanh thẳm.
Võ Thanh Thảo
Lượt xem: 33
Hotline
02693.827.159
Zalo
02693.827.159
Facebook
https://www.facebook.com/dulichpleiku1/