Huyfarm: Điểm kết nối du lịch hấp dẫn

21/07/2021
Đa dạng sản phẩm
 
Mới đây, chúng tôi đến tham quan trang trại của gia đình bà Nông Thị Hai ở thôn 3, xã Ia Nhin. Trước mắt chúng tôi là khu vườn với những chùm quýt đường da xanh căng bóng trên cành, vườn ổi sum suê. Như nhiều gia đình lập nghiệp ở Tây Nguyên, trước đây, bà Hai đầu tư trồng cà phê và cao su. Song sau một thời gian, nhận thấy cây cà phê không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, cao su rớt giá trong khi gia đình không có đủ nhân lực để chăm sóc, bà chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Trên diện tích 3 ha, bà thuê người đào một chiếc ao rộng rộng 350 m2 vừa chứa nước tưới cây, vừa nuôi cá.
 
“Để sử dụng hiệu quả quỹ đất, tôi trồng cây ăn quả xen canh 3 tầng. Trong đó, 300 cây sầu riêng giống Ri6 đang cho thu bói, 3.000 cây quýt đường đã cho thu hoạch được 1 năm, 800 cây ổi cũng đang cho thu hoạch đều đặn. Ngoài ra, tôi còn trồng mít Thái, mít tố nữ, mít ruột đỏ và một số cây ăn quả khác nữa”-bà Hai cho biết. Theo bà Hai, so với cây công nghiệp, trồng cây ăn quả đỡ công chăm sóc, lại nhanh cho thu hoạch và dễ có đầu ra. Trái cây của gia đình bà thường được thương lái vào tận vườn thu mua. Gia đình cũng có mối sỉ tại TP. Quy Nhơn, Huế… Ngay cả khi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không có nhiều mối bán sỉ thì hình thức bán lẻ tại nhà cũng đem lại thu nhập ổn định.
 
Thương hiệu rượu cần Kô Hai của bà Nông Thị Hai được nhiều người ưa chuộng-ảnh P.Linh
Thương hiệu rượu cần Kô Hai của bà Nông Thị Hai được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Ảnh: Phương Linh
 
Ngoài trồng cây ăn quả, bà Hai còn nổi tiếng với thương hiệu rượu cần Kô Hai. Là người dân tộc Tày, gia đình có truyền thống làm rượu từ khi còn ở Cao Bằng nên hơi men nồng nàn theo bà vào vùng đất mới lập nghiệp. Sau khi về hưu, bà Hai có nhiều thời gian hơn để theo đuổi nghề truyền thống. Bà rong ruổi khắp các làng đồng bào dân tộc thiểu số để hái đủ các loại lá, vào tận rừng sâu để tìm rễ, vỏ cây về làm men rượu. Bà cũng tìm lên tận Kon Tum mua hạt bo bo làm nguyên liệu. Vất vả, kỳ công là thế mới có thể cho ra ghè rượu thơm ngon nồng nàn, đủ vị chua, cay, đắng, chát, ngọt. “Để có một ghè rượu đầy đủ hương vị như vậy là do bí quyết gia đình truyền lại và kỳ công thực hiện. Rượu ghè thường chỉ để được vài tháng nhưng của gia đình tôi thì để càng lâu càng thơm ngon”-bà Hai tâm sự.
 
Rượu ghè của bà Hai chế biến bằng 2 loại nguyên liệu: nếp và bo bo. Ngoài ra, bà còn làm rượu nếp cẩm với nguyên liệu là những hạt nếp cẩm cái được bà con ở tận vùng núi xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) sản xuất. Đây cũng là thức rượu tạo nên thương hiệu Kô Hai, được đông đảo người dùng ưa chuộng tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya hay các hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương. Anh Lê Văn Anh (thôn 3, xã Ia Nhin) nhận xét: “Tôi thường xuyên thưởng thức rượu của bà Hai. Rượu ghè và rượu nếp cẩm đều rất thơm ngon. Việc phối trộn các nguyên liệu của bà khiến cho các loại rượu rất đặc biệt, sau khi uống không bị mệt hay đau đầu”.
 
Điểm du lịch trải nghiệm
 
Vườn cây ăn quả rộng lớn, đa dạng, cảnh quan bốn bề xanh mát cùng với sản phẩm nổi tiếng rượu ghè, rượu nếp của gia đình là tiền đề để anh Đàm Quang Huy (con trai bà Hai) quyết định phát triển mô hình du lịch. Anh Huy tâm sự: “Tôi thấy nhu cầu du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả, tham quan, chụp ảnh, hái quả và thưởng thức tại vườn đang là xu hướng được khá đông du khách yêu thích. Hơn hết, vườn cây của gia đình cũng có nhiều lợi thế khi nằm trên tuyến đường dẫn vào các điểm du lịch nổi tiếng của huyện như: làng Kép (xã Ia Mơ Nông), Thủy điện Ia Ly, suối Đá Đĩa làng Vân (thị trấn Ia Ly)… Sau khi tham quan các điểm nói trên, du khách có thể ghé qua vườn nhà tôi tiếp tục vui chơi hay nghỉ ngơi, ăn uống”.
 
Mặc dù chỉ mới hình thành, song trang trại của gia đình anh Huy đã được khá đông du khách đến từ nhiều nơi chọn làm điểm dừng chân. Trong dịp lên Gia Lai tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021, anh Nguyễn Thành Công (TP. Đà Nẵng) cùng bạn bè đã có những ngày khám phá nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Gia Lai. Trên cung đường vào thị trấn Ia Ly, nhóm của anh ghé Huyfarm và có một chuyến picnic thú vị. Anh Công cho hay: “Huyfarm có diện tích khá rộng, cây ăn quả phong phú. Không gian nơi đây cũng rất tuyệt bởi không khí trong lành, mát mẻ, nhiều cây xanh. Chúng tôi đã thưởng thức trái cây, các món ăn ngon và cả rượu truyền thống do chủ nhân tự tay làm. Điểm đến cho tôi một trải nghiệm rất đáng nhớ”.
 
Đoàn khách đến từ TP. Đà Nẵng đã có trải nghiệm thú vị tại Huyfarm vào tháng 3-2021 (ảnh đơn vị cung cấp).
Đoàn khách đến từ TP. Đà Nẵng đã có trải nghiệm thú vị tại Huyfarm vào tháng 3-2021(ảnh đơn vị cung cấp).
 
Trò chuyện với P.V, ông Rơ Châm Chiu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nhin-cho hay: “Trên địa bàn xã hiện có nhiều gia đình chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và các mô hình kinh tế khác. Một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét, cải thiện thu nhập, hình thành loại hình du lịch trải nghiệm, phù hợp với định hướng phát triển của huyện. Trong đó, mô hình trang trại của gia đình bà Nông Thị Hai có nhiều triển vọng, được nhiều người biết đến”.
 
Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Huy cho biết sẽ quy hoạch bài bản hơn, thiết kế khu vực trải nghiệm như khu picnic, cắm trại và cả điều kiện để du khách có thể ở lại lâu hơn, cùng tham gia lao động, chăm sóc và thu hoạch trái cây tại vườn. Bên cạnh đó, anh sẽ chú trọng quảng bá hình ảnh Huyfarm trên các trang mạng xã hội, fanpage và tích cực kết nối với bạn bè gần xa để thu hút khách đến tham quan trải nghiệm.
 
PHƯƠNG LINH
Lượt xem: 14
Hotline
02693.827.159
Zalo
02693.827.159
Facebook
https://www.facebook.com/dulichpleiku1/