Pleiku có thể trở thành thành phố sáng tạo UNESCO

11/07/2022

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững. Theo UNESCO, các thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới này phải cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của chiến lược phát triển và chia sẻ các hoạt động thực tiễn tốt nhất của mình. Mạng lưới này hiện có tổng số 246 thành viên, trong đó, Đông Nam Á có hơn 10 thành phố. Đây là tập hợp các thành phố phát triển dựa trên sự sáng tạo ở 7 lĩnh vực: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, điện ảnh, thiết kế, nghệ thuật truyền thông, ẩm thực, văn học và âm nhạc.  

   Ẩm thực truyền thống Jrai thu hút thực khách. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ẩm thực truyền thống Jrai thu hút thực khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

Cuối năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới ở lĩnh vực thiết kế. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có đại diện duy nhất là TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 7 thành phố của Việt Nam xây dựng thành phố sáng tạo UNESCO (cùng với TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu). Căn cứ vào thế mạnh sáng tạo của địa phương, UBND TP. Đà Lạt đang tiến hành lựa chọn lĩnh vực, hoàn thiện hồ sơ để “xứ hoa đào” sớm được công nhận là thành phố sáng tạo trong Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO vào cuối năm 2022.

Nhận định về tác động của danh hiệu trên trong việc xây dựng, phát triển bộ mặt của một thành phố, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội-cho rằng: “Thành phố nhỏ thì dễ lựa chọn các lĩnh vực tham gia hơn là thành phố lớn. Chính vì thế, các thành phố cần lựa chọn lĩnh vực thế mạnh, hạng mục cụ thể để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo. Đây sẽ là yếu tố dẫn dắt thành phố phát triển trong thời gian tới, làm thay đổi hoàn toàn tư duy phát triển của một thành phố”.

Đối chiếu với 7 lĩnh vực sáng tạo mà UNESCO đưa ra, có thể thấy TP. Pleiku có không ít tiềm năng, nhất là ở 2 lĩnh vực: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, ẩm thực.

Hình ảnh đông đảo thực khách đến thưởng thức các món ăn tại Ngày hội ẩm thực Gia Lai vừa khai mạc tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh tối 8-7 đã khẳng định rõ sức hút khó cưỡng của ẩm thực. Đương nhiên, Ngày hội không thể thiếu các món ăn đặc trưng bản địa như: gà nướng xa lửa, cơm lam, lá mì cà đắng, các loại muối chấm… Là nơi hội tụ của người dân tứ xứ, Pleiku còn tập trung những giá trị ẩm thực đa dạng. Do đó, tại ngày hội trên cũng không thể thiếu các gian hàng bánh dân gian như: bánh bèo, bánh nậm, tai vạc, bánh lọc trần, bánh lọc gói lá chuối kiểu Huế… cùng nhiều gian hàng ẩm thực đường phố. Từng thưởng thức món lòng bò đắng, cua giã gác bếp tại quán Bazan (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), nhiếp ảnh gia-nhà làm phim người Canada Stephen Parcalidis hào hứng chia sẻ: “Tôi đã được khám phá thêm về văn hóa Jrai bằng cách học hỏi, trải nghiệm và nếm thử các món ăn địa phương. Món ăn phản ánh lối sống và sự sáng tạo của người dân bản địa dựa vào nguyên liệu cũng như điều kiện thực tế, làm nên những đặc điểm nổi bật”. Có thể nói, việc mở ra một food tour (du lịch ẩm thực) và phát triển khả năng sáng tạo trong ẩm thực chính là hướng phát triển cần lưu tâm trong thời gian tới.

Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian cũng là lĩnh vực thế mạnh của TP. Pleiku, thể hiện sự khéo léo, sức sáng tạo đáng kinh ngạc của người nghệ nhân. Tại các làng trong phố, các nghệ nhân vẫn miệt mài duy trì nghề đan gùi, chế tác nhạc cụ truyền thống, tạc tượng gỗ dân gian (nhất là tượng cỡ nhỏ làm sản phẩm du lịch) cũng như các sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang. Pleiku rất hiện đại song cũng đầy bản sắc với bề dày truyền thống đáng tự hào. Còn nhớ, tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất diễn ra vào tháng 4-2022, đoàn nghệ nhân TP. Pleiku là đơn vị xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn.

Trong kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, UBND tỉnh yêu cầu bên cạnh khai thác và phát huy giá trị các loại hình danh hiệu đã được thế giới công nhận, cần tiếp tục xây dựng, vận động công nhận mới các danh hiệu quốc tế khác. Tất nhiên, mục tiêu phát triển bền vững luôn đòi hỏi chủ thể phải có sự vững vàng về nội lực, “biết người biết ta”, không vội chạy theo các danh hiệu. Song rõ ràng việc hướng đến xây dựng thành phố sáng tạo thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO cũng là một gợi ý khá thú vị dành cho TP. Pleiku. Pleiku đang dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe”, đô thị thông minh… Chặng đường phía trước còn dài, còn xa và không dễ dàng để vươn tầm trở thành thành phố sáng tạo, nhưng nếu không tính đến và không chuẩn bị tâm thế thì khó lòng tạo sự đột phá trong chiến lược phát triển thời gian tới.

 PHƯƠNG DUYÊN

Lượt xem: 10
Hotline
02693.827.159
Zalo
02693.827.159
Facebook
https://www.facebook.com/dulichpleiku1/