TRIỂN LÃM “NÉT XƯA HỘI TỤ” ĐIỂM THAM QUAN HẤP DẪN TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN 2022

21/01/2022
Thiết thực chào mừng xuân Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022). Thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức triển lãm chuyên đề: “Nét xưa hội tụ”. Triển lãm trưng bày giới thiệu hơn 250 cổ vật, hiện vật độc đáo có giá trị của 18 nhà sưu tập tại các An Khê, Đak Đoa, Chư Pah, Chư Prông, Pleiku của tỉnh Gia Lai và nhà sưu tập đến từ Đắk Lắk. Thông qua triển lãm giúp công chúng có dịp tham quan những hiện vật quý giá, do các nhà sưu tập trong tỉnh dày công gầy dựng, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị lịch sử văn hoá của Gia Lai nói riêng và của cả nước nói chung.
 
z3127070798361_328ceb13cb6fae3ccafe6c223b2f9af7-(1).jpg
   
   Lễ trao giấy chứng nhận tại triển lãm “Nét xưa hội tụ”


Triển lãm “Nét xưa hội tụ” lựa chọn và trưng bày có hệ thống những sưu tập hiện vật độc đáo, chứa đựng giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách của thời đại lịch sử hay từng nền văn hóa.
Gia Lai là vùng đất chứa đựng nhiều dấu vết văn hóa cư dân tiền sử từ Sơ kỳ đá cũ (An Khê) đến hậu kỳ đá mới (Văn hóa Biển Hồ). Tại triển lãm trưng bày với nhiều loại hình như: rìu đá, phác vật rìu, cuốc đá, bàn mài, đá đục lỗ giữa … được làm chủ yếu bằng đá phtanite, opal, đá sillic, sa thạch…đây là công cụ của người tiền sử thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí (hay còn gọi giai đoạn đá mới muộn) có niên đại từ 3000 đến 4000 năm cách ngày nay. Cho thấy hoạt động thủ công chế tác đồ đá của cư dân hậu kỳ đá mới ở Gia Lai đã đạt đến trình độ cao về các loại kỹ thuật như ghè, đẽo, mài, cưa, khoan và đánh bóng. Đây là sưu tập công cụ đá của nhà sưu tập Nguyễn Văn Hưng, thị trấn Chưprông - là một trong số nhà sưu tập tham gia triển lãm lần này.
Tại triển lãm Bảo tàng trưng bày hệ thống các hiện vật đồ kim loại độc đáo như: Cồng chiêng, tiền đồng (thời Lê, Tây Sơn và thời Nguyễn), kiếm Tây Sơn, đồ trang sức, các nồi đồng mi ni sử dụng trong cúng tế và trong đời sống hàng ngày. Trong đó, chiêng là nhạc khí vừa có tính phổ biến quen thuộc vừa có tính thiêng liêng trong đời sống văn hóa của người Gia Lai. Tại triển lãm trưng bày 3 bộ chiêng, đặc biệt kể đến bộ chiêng Bôm Ya Bạc chỉ duy nhất một chiếc, người nghệ nhân có thể dùng tay thấm ướt nước xoa quanh núm chiêng tự vang. Bên cạnh các bộ chiêng là Trống đồng – một trong những sản phẩm đặc biệt của thời đại kim khí ở nước ta. Trống đồng trưng bày tại triển lãm lần này là trống loại II (Heger II) là một di sản người xưa để lại có niên đại khoảng (TCN - thế kỷ XVII, XVIII) của nhà sưu tập Ngô Ngọc Tám.
Tại triển lãm tổ hợp trung bày gốm sứ là nhóm hiện vật có số lượng phong phú nhất, gồm các dòng chính: Dòng gốm Việt; dòng gốm Trung Quốc và dòng gốm Nhật, tất cả được bố chí theo từng dòng, với sự góp mặt của các nhà sưu tập Đặng Hoàng Thân, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Hồng, Châu Bá Sang, Võ Văn Hưng, Bùi Văn Tuyên, Đoàn Vĩnh Lợi đến từ các huyện An Khê, Đak Đoa, Tp.Pleiku.
Qua tổ hợp trưng bày gốm sứ giúp công chúng hiểu thêm về quá trình phát triển của các dòng gốm sứ Việt, trải dài từ bắc vào nam với nhiều dòng nổi tiếng: Chu Đậu, Vạn Ninh, Phù Lãng, Gò Sành, Quảng Đức, Châu Ổ, Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa,… lịch sử kéo dài từ thế kỷ XIV đến thập niên 1970.
Có thể nói, gỗ và giấy là những chất liệu chế tác sản phẩm văn hóa, sinh hoạt phổ biến của con người. Các hiện vật gỗ tham gia triển lãm lần này có tủ thờ, hoành phi, câu đối, tranh, bàn tính được sử dụng phổ biến trong đời sống của người Kinh và khung dệt, cán bật bông, sa quay sợi được sử dụng phổ biến trong đời sống của người đồng bào. Nhóm hiện vật này có niên đại từ khoảng giữa thế kỷ XIX đến thập niên 70 của thế kỷ XX. Đây là những hiện vật tiêu biểu của nhà sưu tập Lê Tấn Khoang, Nguyễn Thế Phiệt.
Hiện vật giấy tại triển lãm là các sắc thần thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn, giúp chúng ta hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của các thời kỳ lịch sử đã qua qua di sản hình ảnh và văn tự. Đây là những hiện vật quý của nhà sưu tập Võ Văn Hưng và Bùi Văn Tuyên.

z3127067264021_793dcf97a7b5238b9364388f2bab2cc0.jpg 
   Các đại biểu tham quan triển lãm; Ảnh: Anh Minh

Với vai trò là nhà sưu tập tham gia trưng bày tại triển lãm, ông Võ Hưng chia sẻ: Đây là hoạt động rất có ý nghĩa với những nhà sưu tập cổ vật trên địa bàn, là dịp để chúng tôi được gặp gỡ giao lưu, được mang tâm huyết của mình đến với công chúng qua các bộ sưu tập cổ vật quý. Cảm ơn Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã tổ chức một hoạt động rất ý nghĩa nhân dịp đầu năm mới 2022. Chúng tôi hy vọng sẽ được cống hiến, góp một phần nhỏ của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa địa phương nói riêng và cả nước nói chung.”
Tại buổi lễ Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã trao giấy chứng nhận, tặng hoa cho 18 nhà sưu tập hiện vật vì đã có đóng góp trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Triển lãm mở cửa từ ngày 20/01 đến ngày 18/02/2022, phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.
 An Nguyễn 
 
 
Lượt xem: 24
Hotline
02693.827.159
Zalo
02693.827.159
Facebook
https://www.facebook.com/dulichpleiku1/